Take a fresh look at your lifestyle.

Cặp doanh nhân này đã tạo ra ứng dụng giúp thợ may Việt Nam có thể may đo quần áo cho bất cứ ai trên thế giới

574
Vượt qua 71 đối thủ, startup “may quần áo bất chấp khoảng cách địa lý” của vợ chồng anh Nguyễn Ngọc Lâm và chị Trần Đàm Minh Phượng (TP HCM) đã giành giải nhất cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp” do đại sứ quán Mỹ ở Việt Nam khởi xướng.

Chia sẻ với chung tôi về startup này, anh Nguyễn Ngọc Lâm – CEO dự án cho biết, công nghệ sẽ xóa nhòa khoảng cách và chính sợi thước dây là rào cản lớn nhất cho ngành dệt may Việt Nam.

– Xin chào anh. Anh có thể chia sẻ về dự án khởi nghiệp vừa giành giải nhất cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp” do Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam tổ chức với phần thưởng 1.000 USD và học bổng trị giá 5.000 USD mới đây?

– Dự án của chúng tôi mang tên UKYS App. Nó được tích hợp công nghệ L.I.M (Less Is More), cho phép người dùng lấy số đo cơ thể thông qua hình ảnh được chụp từ camera của các thiết bị iOS.

Theo đó, thông qua các bức hình tự chụp tại nhà của khách hàng, ứng dụng có thể tính ra số đo cơ thể mà không cần người hỗ trợ. Thông qua UKYS người dùng sẽ có được số đo cần thiết cho trang phục mà không cần gặp mặt nhà may. Số đo được ứng dụng ghi nhận sẽ được những người thợ có kinh nghiệm xử lý cho phù hợp với mỗi khách hàng.

Nhờ sự kết hợp này, UKYS thu hẹp khoảng cách địa lý trong quá trình may đo. Ứng dụng này hiện đã có mặt trên Apple Store.

Khi sử dụng, người dùng sẽ tự chọn lựa kiểu áo, kiểu vải, màu sắc… với các tùy chọn như kiểu của túi áo, cổ áo, ống tay, vai… Sau khi có một thiết kế ưng ý, người dùng cần lấy số đo bằng cách đặt thiết bị ở nơi bằng phẳng. Ứng dụng sẽ tự động chụp lại toàn thân theo 4 tư thế khác nhau.

Trong dự án này, chúng tôi đề cao tính cá nhân từ khâu lấy số đo với công nghệ face-sensor (công nghệ ẩn mặt trước khi hình ảnh được tải lên hệ thống). Hình ảnh gửi về trung tâm dữ liệu của UKYS sau khi được chụp đều được che mặt nhằm đảm bảo tính riêng tư. Thông qua hình ảnh các tư thế, ứng dụng sẽ tính toán ra các số đo và gửi số liệu tới các thợ may.

– Vì sao anh lại lựa chọn lĩnh vực may mặc để đầu tư, phát triển?

– UKYS xuất phát từ việc hai vợ chồng tôi đi nhiều nơi, thấy Việt Nam chuyên gia công may mặc cho các nhãn hàng khác trên thế giới nhưng lại không có thương hiệu riêng cho mình. Trong khi chất lượng may mặc của Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được những đòi hỏi của thế giới.

Bên cạnh đó, việc tiếp cận thường xuyên với các quý ông thượng lưu với phong cách thời trang phong phú và hiện đại đã khơi gợi niềm đam mê với thời trang may đo cho cả 2 vợ chồng tôi.

Có thể nói, thời trang may đo gắn liền với sợi thước dây, nhưng cũng chính là rào cản lớn nhất cho sự phát triển của ngành công nghiệp đầy tiềm năng này.

Chúng tôi tin rằng, công nghệ có thể vượt qua rào cản tồn tại từ bao đời nay và mở ra một hướng tiếp cận mới hiệu quả hơn, giúp giới thiệu trực tiếp các sản phẩm may đo từ những người thợ tài năng Việt Nam đến các khách hàng ở những quốc gia khác.

Ứng dụng UKYS giúp người dùng tiếp cận thời trang may đo một cách dễ dàng hơn. Chất lượng sản phẩm và tôn trọng thói quen ăn mặc của người dùng cũng là những yếu tố không thể bỏ qua.

Tôi luôn tâm niệm sản xuất ra những chiếc áo sơ mi chất lượng quốc tế và vừa vặn để người sở hữu luôn thích mặc chúng nhiều lần.

– Ngành may đo truyền thống đang rất khó khăn, không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới bởi các sản phẩm may sẵn, rẻ, nhanh và tiện lợi. Vì sao anh lựa chọn may đo truyền thống và làm cách nào để cạnh tranh được với hàng công nghiệp may sẵn?

– Mình tạo ra ứng dụng này không phải với mục đích cạnh tranh. Một khi rào cản về cây thước dây đã được gỡ bỏ, thị trường sẽ mở rộng cho tất cả nhà sản xuất, người sử dụng sẽ có thêm nhiều lựa chọn cả may sẵn và may đo.

Bạn có thấy thú vị nếu một ngày nào đó chỉ cần ở nhà mà bạn có thể mua cả tủ quần áo không?!

– Trang web của UKYS hoàn toàn là tiếng Anh. Phải chăng thị trường Việt Nam không hấp dẫn?

– Chúng tôi là một ứng dụng dành cho toàn cầu và tiếng Anh là ngôn ngữ thông dụng hiện nay.

Ứng dụng UKYS là cầu nối giúp người dùng tiếp cận hàng may đo và người thợ may có thể cung ứng những sản phẩm vừa vặn cho khách hàng mà không bị giới hạn về không gian hay thời gian nào.

Việt Nam là đơn vị gia công hàng may mặc lâu năm của thị trường thế giới với những người thợ lành nghề và tâm huyết. Chúng tôi tôn trọng ngành may mặc truyền thống và mong muốn ứng dụng UKYS sẽ mở rộng thị trường cho ngành may mặc truyền thống hơn nữa.

Tôi tin rằng, UKYS sẽ mang đến một cách tiếp cận hoàn toàn khác cho ngành may đo khi những người thợ may tận tâm và chuyên nghiệp nhất Việt Nam có cơ hội phục vụ cho những người khách họ chưa bao giờ gặp mặt ở khắp nơi trên thế giới.

Chúng tôi vẫn đang nỗ lực xây dựng thương hiệu và giới thiệu sản phẩm của mình ra nước ngoài để nhiều người biết đến các sản phẩm may đo chất lượng của Việt Nam.

– Hiện 1 chiếc áo sơ mi UKYS có giá bao nhiêu. Anh giới thiệu sẽ miễn phí giao hàng cho khách trên toàn thế giới, điều này liệu có khả thi và làm tăng giá thành sản phẩm?

– Hiện giá mỗi sản phẩm cũng ở mức thấp so với các mặt hàng tương tự. Chất lượng áo sơ mi tương đương với dòng sơ mi cao cấp đang bán với giá 130 USD trở lên tại Mỹ. Hiện UKYS đang có mức giá ưu đãi là 69 USD (trên Indiegogo).

Chúng tôi chọn hướng tiếp cận khách hàng trực tiếp qua ứng dụng. Các sản phẩm từ xưởng sẽ gửi trực tiếp đến địa chỉ của khách nên có thể hạn chế phần lớn những chi phí trung gian để phân phối sản phẩm.

Phần chi phí trung gian tiết kiệm được sẽ chuyển thành phần lợi ích cho khách hàng qua hình thức miễn phí giao hàng.

Sản phẩm sẽ được hoàn thiện trong vòng 7 ngày và nhanh chóng chuyển tới người dùng. Những khách hàng trong nước sẽ nhận được hàng từ một đến hai ngày.

– Được biết trước đó anh từng có 10 năm kinh nghiệm kỹ sư phần mềm tại một công ty công nghệ lớn. Lý do gì khiến anh chuyển sang lĩnh vực hoàn toàn mới và chắc hẳn sẽ có nhiều khó khăn?

– Việt Nam là nơi sản xuất của nhiều thương hiệu thời trang đa quốc gia nhưng tất cả nỗ lực, tài năng công sức của những người thợ trong ngành dệt may đều đứng dưới chung 1 brand là Made In Vietnam.

Tôi muốn thay đổi điều đó, áp dụng công nghệ để gỡ bỏ rào cản của việc lấy số đo để mở rộng cánh cổng tiếp cận quốc tế cho những người thợ may nước nhà, mang hàng may đo đến gần hơn với khách hàng ưa chuộng dòng hàng này.

Mong muốn của tôi là những quý ông ở bất cứ nơi đâu cũng đều có thể sở hữu một chiếc áo may đo riêng cho mình.

Ứng dụng UKYS đã được hình thành và liên tục cải tiến trong suốt 1 năm ròng rã. Chúng tôi đã thử nghiệm trên hàng nghìn kiểu dáng cơ thể khác nhau để tìm được thuật toán hợp lí nhất.

Khó khăn lớn nhất của UKYS nằm ở thói quen của người dùng trong việc mua sắm trang phục may đo trực tuyến. Nhiều người tự hỏi tại sao công nghệ có thể làm được như vậy và họ chưa tin. Vì thế, chúng tôi phải giải quyết tốt bài toán công nghệ, nhằm lấy được những số đo nhanh và chính xác song vẫn dễ dàng sử dụng.

Điều này cũng nhờ phần lớn vào công nghệ. Và chúng tôi đã nỗ lực cập nhất những công nghệ mới nhất trên thế giới để áp dụng cho sản phẩm của mình.

Kinh nghiệm 10 năm làm trong lĩnh vực công nghệ là một thuận lợi giúp ứng dụng đúng nhất với ý tưởng ban đầu.

Ông bà ta có câu “Vạn sự khởi đầu nan”, nhưng tôi lại rất tâm đắc câu nói của ngài Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius đã phát biểu hôm qua “Khởi nghiệp cần lòng dũng cảm”.

Lòng dũng cảm sẽ giúp thách thức trở thành nguồn năng lượng cho mỗi cá nhân nỗ lực hơn để vượt qua. Tôi thấy rất rõ khi tham dự cuộc thi này. Và hiện UKYS vẫn đang nỗ lực xây dựng thương hiệu.

– Anh chị ấp ủ gì cho tương lai của UKYS và kế hoạch để hiện thực hoá tham vọng đó?

– Ở thời điểm hiện tại, công ty mới dừng lại ở việc may áo sơ mi cho khách. Trong tương lai, những sản phẩm khác như áo phông hay quần bò cũng sẽ trở thành mặt hàng được đẩy mạnh.

Chúng tôi mong muốn ứng dụng UKYS sẽ không chỉ giúp quý ông tiếp cận hàng may đo dễ dàng hơn mà còn kết nối với các nhãn hàng trên thế giới để giảm thiểu chi phí cho việc đổi trả hàng do không đúng size.

Một ngày nào đó, các quý ông sẽ dùng ứng dụng UKYS để chọn cả quần áo may sẵn và may đo chỉ đơn giản trong vòng một click.

Nguồn: cafebiz

Bài khác