Bar – Chốn hào sảng của những quý ông
Nhiều người nghĩ đến quán Bar là nghĩ đến tệ nạn, nhưng không hoàn toàn như vậy. Bar được mặc định dành cho những người phóng khoáng biết tận hưởng cuộc sống.
Nguồn gốc của việc “đi bar” có lẽ xuất phát từ thời cổ đại, khi người ta tụ tập nhảy múa quanh đống lửa trong hang đá và uống nước hoa quả lên men. Đến khoảng thế kỷ 19, bar trở thành địa điểm buôn bán, trao đổi chiến lợi phẩm và thu hút với nhiều loại hình giải trí khác nhau. Đặc biệt là khi cocktail bắt đầu xuất hiện thì người ta yêu thích bar hơn trước. Thoạt đầu bar là một quầy hàng được ngăn cách bởi những tấm gỗ giữa chủ quán và khách hàng, từ đó hình thành khái niệm quầy bar.
Ở châu Mỹ, những quán bar đầu tiên được biết đến như saloon, nơi mà các chàng cowboy uống rượu, mua bán vũ khí, khoe chiến lợi phẩm, và tiết mục giải trí thường xuyên là vật lộn. Nơi đó chỉ tồn tại thức uống có cồn, âm nhạc và đàn ông.
Ngày nay, bar đã mở rộng đối tượng khách hàng hơn và đi kèm là văn hoá hưởng thụ hiện đại, âm nhạc nhộn nhịp hơn, lắc lư hơn và bay nhảy hơn. Nhiều người nghĩ đến quán bar là nghĩ đến tệ nạn, nhưng không hoàn toàn như vậy, bar được mặc định dành cho những người phóng khoáng biết tận hưởng cuộc sống. Họ mau chóng tiếp thu đồng thời góp phần làm nên “văn hóa đi bar” như một cách chứng minh rằng không phải ai đi bar cũng hư hỏng, không phải bar nào cũng là tụ điểm thác loạn.
Bar – Nơi chào đón những kẻ cô độc, thích hoài niệm
Nét đặc trưng mang lại sự khác biệt lớn nhất giữa các bar có lẽ là không gian. Không gian bar không chỉ là điểm nhấn về mặt thẩm mỹ mà còn phải là không gian lý tưởng để ôn lại những câu chuyện, những kinh nghiệm, hay đôi khi chỉ là những câu chuyện ba láp được nói ra trong một góc khuất kín người. Người trẻ lạc lõng, tha hương đi Bar để tìm chốn chui rúc, để tĩnh lặng, để chếnh choáng say trong không gian ồn ã. Còn đàn ông già thì tìm chốn để hoài niệm hương vị xưa đã lạc mất. Dù có là người trẻ, kẻ già thì những gì được lưu tại bar sẽ là hoài niệm, là hơi ấm của cái chốn luôn chào đón đàn ông những khi mệt mỏi, gục ngã.
Tôi rất ấn tượng với những quán bar có quầy rượu sáng tạo đẹp mắt. Chúng vừa thể hiện những nét cá tính riêng của bar, lại vừa có thể cho khách hàng thưởng thức những món thức uống cay, ngọt, đắng, nồng cùng bè bạn chiến hữu. Sự nhiệt tình tư vấn của bartender cùng những câu chuyện về từng loại cocktail sẽ luôn làm họ cảm thấy hứng khởi hơn bội lần.
Bar – Chốn văn hóa riêng tư về đêm
Có câu nói “What happens in the Bar stays at the Bar”, tạm dịch “Chuyện gì diễn ra ở trong bar thì hãy giữ kín nó ở trong bar”. Một gã đàn ông đến bar để tìm không gian cho họ sự riêng tư, tận hưởng theo một cách rất khác về những thăng trầm của cuộc sống ngoài kia. Một khi đã đến đây một vài lần rồi, bất cứ ai cũng có cảm giác gắn bó, thân thiết với nó. Mọi nỗi mệt nhọc đều vơi đi, niềm vui thì được chia sẻ. Đến với bar, bạn có thể tâm sự thoải mái về bất cứ thứ gì bạn muốn, nó sẽ lắng nghe mà không đòi hỏi gì cả. Bar còn là chỗ dành cho những những người muốn một góc yên tĩnh để trầm mặc và tận hưởng những bài nhạc Jazz. Bar như vậy thi vị hơn nhiều.
Thời nay, bar cũng được phân chia nhiều loại, nhưng chủ yếu chiếm đa số vẫn là bar bình dân. Đa số khách hàng của quán sẽ là khách quen sống ở khu vực lân cận.
Đừng đánh đồng bar như là vũ trường
Khác với quan niệm của nhiều khách Việt khi chọn đi bar để xả stress, nhảy nhót và thoát xác, du khách nước ngoài vào bar không nhất thiết phải nhảy, đôi khi chỉ để nghe nhạc, giao lưu, trò chuyện. Họ ưu tiên cho việc thưởng thức thức uống hơn là dập dìu cơn say rồi nhảy nhót cùng sự ồn ào, hơn thua như vũ trường. Bởi thế, khái niệm bar Tây vừa có nghĩa là bar do người nước ngoài quản lý, vừa có thể hiểu là bar được nhiều khách ngoại ưa chuộng. Sự “hướng ngoại” đơn giản của những quán ấy lại chính là chuẩn mực của phong cách bar truyền thống.
Bar Tây có nhạc nhưng là nơi dùng nhạc để cảm nhận chứ không phải là nơi để những nốt nhạc mạnh mẽ xập xình trên sàn nhảy cùng những trận say không biết đường về của đám trẻ mới tập tành ăn chơi… Thứ văn hóa bar Tây đẹp đẽ này đã dần tái định nghĩa “văn hóa đi bar” đang bị thui chột bởi những màn đập đá, hút shisha, những ánh đèn với tiếng nhạc cuồng say.
Bar – Nơi thưởng thức chậm rượu và cocktail
Các quán bar saloons thời xưa đa phần chỉ chuyên phục vụ bia vì đơn giản thời ấy bia sạch hơn nước. Đến khi cocktail được sáng tạo thì người ta biết nhiều hơn đến vodka, rum, gin… tạo nên sức hấp dẫn với người yêu rượu. Đã có một thời gian mỗi quán bar chỉ chuyên về một loại rượu duy nhất dành riêng cho những đối tượng khách hàng am hiểu và biết cách thưởng rượu.
Chẳng hạn như một quán martini bar – thì thức uống đại diện cho quán sẽ là món cocktail martini. Tuy nhiên martini thì cũng có vô số hương vị và nhiều cách mix-up, nên cứ yên tâm là sẽ không bị ngán. Bởi vậy nên mới có câu “Bar không kén chọn khách hàng, chỉ có khách hàng mới kén chọn bar”. Có người thích gọi những món cocktail cầu kỳ, như Singapore Sling chẳng hạn, còn người khác thì chỉ thích uống vài shot Tequila rồi lại đi. Suy cho cùng là tùy mỗi người, nếu bạn uống nhiều, dần dần sẽ tìm ra được thứ mà mình yêu thích.
“Linh hồn” tạo nên những thứ thức uống gây “nghiện” ấy phải kể đến tài năng của người bartender. Không phải cứ tùy ý cho vài thứ vào ly cộng thêm một chút cồn nữa là thành cocktail. Mỗi món cocktail đều có định lượng nghiêm ngặt về tỷ lệ các thành phần, thêm bớt tùy tiện sẽ mất vị, mất chất. Vì vậy kỹ năng của những người pha chế thức uống đòi hỏi ở cấp độ cao bởi một bartender phải luôn biết khách hàng muốn gì, nên uống gì, sẽ gợi ý, miêu tả chính xác khẩu vị và tửu lượng các “thượng đế”.
Dù đó là thể loại bar nào và cho dù bạn đi bar một mình hay đi với chiến hữu, bar vẫn là nơi mà người ta đến để hàn huyên và thưởng thức rượu ngon cùng cái không khí ấm cúng.
Nguồn: elleman