Take a fresh look at your lifestyle.

Love&Spice “cay quá đã”, “cay như quỷ” lên kệ tất cả các sàn TMĐT

12,806

Nguyễn Thị Thuỳ Mỵ – founder Love&Spice kể về hành trình đem giống ớt cay đạt kỷ lục Guinness trồng tại Việt Nam, làm trang trại cho nông dân 4.0, đưa sản phẩm ớt siêu cay lên kệ tất cả các sàn thương mại điện tử.

Thời điểm giãn cách vì Covid-19, Nguyễn Thị Thuỳ Mỵ – Thị Hến (founder của Love&Spice) thấy thèm cảm giác được chạy. Niềm khao khát vận động thôi thúc cô đặt ra mục tiêu thách thức: chạy liên tục 160km quanh trang trại. Đồng nghĩa, với chu vi 400m, nữ founder cần chạy một mạch 400 vòng trên một địa hình lặp lại để hoàn thành mục tiêu.

Nhiệm vụ tưởng chừng bất khả thi, nhàm chán được người phụ nữ ngoài 30 tuổi hoàn thành trong 22 giờ. Vừa chạy, Thị Hến vừa livestream trên mạng xã hội để chia sẻ câu chuyện của mình cũng như truyền cảm hứng vận động vượt qua nghịch cảnh, dù họ đang ở đâu.

“Nếu đủ muốn mình sẽ làm được. Chạy một mình khó hơn khi thi đấu. Thi đấu có ban tổ chức, phải bỏ tiền mua vé, di chuyển… nếu bỏ cuộc thì phí quá. Nhưng nếu chạy trong trang trại, không có gì ràng buộc, mình phải vượt qua chính mình”, nữ runner nói.

Cụm từ “vượt qua chính mình” hay “đủ muốn sẽ làm được” được cô gái trẻ lặp lại nhiều mình trong cuộc trò chuyện gần một giờ đồng hồ. Điều này không chỉ thể hiện quyết tâm trong thi đấu của nữ runner mà còn là kim chỉ nam cho cô cùng chồng phát triển thương hiệu tương ớt siêu cay Love&Spice.

Tấn công thị trường ngách

Sinh ra Việt Nam, lớn lên ở Mỹ, anh Michael – chồng chị Thuỳ Mỵ nhận thấy tiềm năng của thị trường gia vị. Tại các siêu thị lớn của Mỹ, trên kệ có hàng trăm loại ớt từ cay đến siêu cay nhưng ở Việt Nam sản phẩm này chưa thực sự phổ biến.

Với quan niệm dân gian, để ăn ớt cay, mọi người chọn ăn sống ớt hiểm. Tuy nhiên, theo phân loại học, ớt hiểm – một giống của ớt cựa gà chỉ từ 10.000–225.000 đơn vị Scoville. Mức này chưa đạt đến độ cay cực đại của nhiều loại ớt trên thế giới, do đó, chưa thỏa mãn các tín đồ ăn cay thực sự.

Nhận thấy ngách khởi nghiệp tiềm năng, chị Thị Hến cùng chồng đã mang về trang trại tại Đồng Nai giống ớt siêu cay Reaper. Giống ớt chị Hến quyết định trồng từng đạt kỷ lục Guinness thế giới năm 2013 với độ cay trung bình hơn 1,5 triệu Scoville, thách thức những chuyên gia ăn cay.

Để trồng được loại ớt này ở Việt Nam, toàn bộ hạt giống phải nhập khẩu với giá 1 USD, 1 hạt. Khi cầm trên tay bịch hạt giống đầu tiên, chồng chị quay sang nhìn vợ nói: “Đây có lẽ sẽ là bước ngoặt của chúng ta”.

Khi có hạt giống, đôi vợ chồng trẻ bắt đầu những nghiên cứu sơ bộ về đất. Anh chị mang hạt giống gieo thử ở Đà Lạt, Đăk Lăk và Đồng Nai. Ớt Đà Lạt mọng nước hơn, trái to nhưng độ cay giảm. Còn ở Đăk Lắk lại không quá thuận tiện để làm mô hình khép kín từ vườn cây đến trang trại rồi đi vào bàn ăn của gia đình. Do đó, gia đình chị chọn Đồng Nai để bắt đầu gây dựng thương hiệu.

Theo chị Hến, Love trong Love&Spice đại diện cho tình yêu. Đây là thương hiệu được tạo ra từ tình yêu của hai vợ chồng, tình yêu với trồng trọt và nghề nông. Còn Spice là vị cay, tượng trưng cho gia vị – ngành hàng thương hiệu theo đuổi.

Gia tài chôn vùi trong mưa

Love&Spice được nuôi lớn từ tình yêu, song để những chai tương ớt được lên kệ lại là cả hành trình dài của cặp vợ chồng founder.

Từng có lần, cả gia tài của chị Thị Hến bị chôn vùi trong cơn mưa. Cơn mưa kéo dài 8 tiếng khiến 10.000 cây ớt bị úng rễ, phải vứt bỏ hoàn toàn.

“Nhiều người sẽ nghĩ, 1 USD một hạt giống thì 10.000 cây là 10.000 USD, khoảng hơn 200 triệu, làm gì ghê gớm. Nhưng không phải, phải gieo hàng chục hạt mới có một hạt nảy mầm, để lớn lên thành cây lại là cả quá trình dài hơn”, chị Hến nói.

Cảm giác nhìn 10.000 cây ớt bị hỏng tương tự như cảm xúc tài sản bị bay sạch sau một đêm do thị trường chứng khoán “sập”. Để bình tâm, tôi và chồng chạy một mạch 21km, không nghỉ, không uống nước quanh trang trại. Lần đó, chị đạt đạt sub 2 – thành tích tốt của vận động viên chạy half-marathon.

Nữ founder kể: “Thành tích tốt bất ngờ khiến tôi quên đi nỗi buồn trước mắt. Chồng tôi cũng động viên, nhờ trận mưa mới biết cây ớt dễ ngập nước đến như vây, nên sau đó, chúng tôi “khôn hơn”, dành thời gian cho đất nghỉ 2-3 tháng rồi mới trồng tiếp”.

Theo chị, trong kinh doanh, khó khăn, thử thách là điều ai cũng phải trải qua. Nhưng nếu nhìn khó khăn như một kinh nghiệm để học hỏi thì sẽ không có thất bại mãi mãi. Đó chỉ là khó khăn tạm thời để những doanh nghiệp như Love&Spice có bài học trong tương lai.

Học được bài học đắt giá cả nghĩa đen và nghĩa bóng về đặc tính của ớt Reaper, vợ chồng chị Thuỳ Mỵ lại tiếp tục phải đổ hết 1 tấn ớt trong quá trình lên men để tìm được công thức “chuẩn”. Do đều là tay ngang, những mẻ ớt lên men đầu tiên, hai vợ chồng đều Google.

Chị Hến không thể nhớ được chuỗi vòng lặp lên men – hỏng – đổ đi lặp lại bao lần. Nhưng nhờ những kinh nghiệm ấy, chị biết ớt cần gia giảm thêm hay bớt muối. Ớt mọng nước sẽ cần làm gì hay khi ớt khô hơn sẽ phải xử lý sao.

“Mất một năm kể từ khi thu hoạch những trái ớt đầu tiên, chúng tôi có sản phẩm để bán”, chị Hến nói.

Suốt một năm đầu, những sản phẩm chị làm ra đa phần đem tặng những người thích ăn cay để thu về nhận xét. Hoặc nếu bán, chị bán một mức giá gây “shock” 400.000 đồng cho một chai tương ớt. Bởi theo chị, những người chấp nhận bỏ số tiền lớn như vậy, họ sẽ hiểu hành trình Love&Spice trồng ớt Reaper khó khăn đến thế nào.

Làm trang trại cho những người nông dân 4.0

Sau gần 3 năm làm thương hiệu, hiện sản phẩm của Love&Spice được phân phối trên tất cả các sàn thương mại điện tử và website của công ty. Hiện nay, một số sản phẩm ớt “độc lạ” như Cay như quỷ, Cay quá đã, Cay #1 luôn trong tình trạng hết hàng.

“Chúng tôi có ý định bán sản phẩm ra nước ngoài, nhưng trước hết phải sống khỏe trên nước mình”, nữ founder nói. Theo chị, cách thức doanh nghiệp làm là luôn tạo ra nguồn cung ít hơn cầu, để khi có nhiều hàng hơn, luôn có những khách hàng sẵn sàng chờ đợi để mua sản phẩm.

Khai thác thị trường ngách ớt siêu cay, đặt tên cho các sản phẩm không kém phần độc đáo, do đó, những người cộng sự đi cùng hai founder cũng được họ gọi với cái tên “nông dân 4.0”.

Chị Thị Hến nói, qua rồi cái thời khổ quá, học kém quá mới đi làm nông. Những người nông dân ở Love&Spice đều là những người yêu thể thao, có thể chạy được 42 km.

“Nông dân giờ đây không phải là “bác” nông dân mà là “anh” nông dân, đẹp trai, 6 múi, nói tiếng Anh lưu loát, biết sử dụng máy tính, tin học”, chị Hến hài hước.

Tự nhận khởi nghiệp không phải là câu chuyện chơi, khởi nghiệp phải làm ra kinh tế nhưng người phụ nữ bỏ phố về Đồng Nai khởi nghiệp luôn nhấn mạnh đến giá trị thương hiệu có thể mang lại. Chị muốn phần nào mọi người có thể thay đổi định kiến về người nông dân.

Bên cạnh đó, Love&Spice cũng muốn thổi hồn Việt vào sản phẩm. Logo của thương hiệu là bức tranh cách điệu biểu tượng chăn trâu thổi sáo, với đứa trẻ chăn trâu đang chỉ về hướng Đông, như ngầm thể hiện đây là thương hiệu của người Việt Nam.

“Gần đây, mình được truyền cảm hứng khi nghe câu chuyện về một tỷ phú tương ớt người Việt. David Trần – người Việt Nam đầu tiên trở thành tỷ phú tương ớt trên đất Mỹ với nhãn hiệu tương ớt Sriracha”, chị Mỵ kể và nói thêm, bác David là người đầu tiên trở thành tỷ phú tương ớt, nhưng có thể không phải là người duy nhất.

Do đó, mỗi ngày, chị Thuỳ Mỵ và chồng vẫn tiếp tục làm việc trên những cánh đồng ớt siêu cay để nuôi giấc mơ tạo nên một thương hiệu khiến người Việt tự hào, đồng thời, mang đến công ăn việc làm cho những người nông dân 4.0 đặc biệt. Với riêng nữ founder, Love&Spice không chỉ là start-up, mà còn là bài học dài mỗi ngày chị tự khám phá để hoàn thiện mình.

Nguồn: https://cafebiz.vn/fouder-hang-tuong-ot-cay-qua-da-cay-nhu-quy-len-google-hoc-len-men-1-tan-ot-dem-giong-ot-cay-dat-ky-luc-guiness-trong-tai-viet-nam-dua-len-ke-tat-ca-cac-san-tmdt-176240527083533162.chn

Bài khác