Take a fresh look at your lifestyle.

“Người trẻ Việt làm bao nhiêu cũng không thấy đủ, tiêu bao nhiêu cũng không thấy thừa”

518

Hoàng Huy là một cựu du học sinh Việt tại Anh. Hiện nay, anh đang làm Giám đốc Marketing của một công ty du lịch. Chia sẻ trên trang cá nhân, Huy cho biết danh sách bạn bè của anh có rất nhiều người trẻ nên newfeeds Facebook của anh thể hiện nhịp sống sống động của tuổi trẻ. Hoàng Huy cũng làm việc với nhiều bạn trẻ 9x nên dễ dàng quan sát và cảm nhận cách nhìn thế giới rất thú vị của những người trẻ này. Theo Hoàng Huy, tuổi trẻ không bao giờ ngừng than vãn về 2 vấn đề: Không có người yêu (FA, thật và giả) và hết tiền – thiếu tiền – hết tiền.

Giám đốc trẻ tuổi nhận xét, người trẻ có sức tiêu dùng mạnh, độ ham thích cao với những cái mới mẻ trong khi thu nhập còn hạn chế nên họ không thể tránh khỏi những lúc bối rối về mặt tiền bạc. Bản thân Hoàng Huy cũng đã trải qua những cung bậc như vậy từ khi còn học ở nước ngoài và ngay cả hiện tại, vì thế anh cũng có một chút kinh nghiệm để chia sẻ cho những ai cần.

Chia sẻ gây bão mạng xã hội của giám đốc marketing: Người trẻ Việt làm bao nhiêu cũng không thấy đủ, tiêu bao nhiêu cũng không thấy thừa - Ảnh 1.

Hoàng Huy hiện đang là giám đốc marketing cho một công ty du lịch. Anh thường xuyên chia sẻ những bài viết hữu ích trên trang cá nhân Facebook. Ảnh: Facebook nhân vật.

Theo Hoàng Huy, nếu đã đủ 18 tuổi và còn đi học nhờ sự chu cấp của bố mẹ, tốt nhất các bạn trẻ đừng nên than vãn về tiền bạc vì “như thế vô duyên lắm”. Bởi lẽ, sự trợ cấp của bố mẹ không phải là điều luật pháp bắt buộc. Khi bạn đủ 18 tuổi, bố mẹ thương yêu và hỗ trợ tiền bạc cho bạn nhưng đó không còn là nghĩa vụ nữa. Người Anh có câu: “Beggars cannot be chosers”, có nghĩa là “Ăn mày đòi xôi gấc”. Khi bạn nhận chu cấp từ bố mẹ và vẫn than vãn, bạn đã vô tình gây áp lực vô lý đối với những người duy nhất yêu thương bạn vô điều kiện trong cuộc đời này.

Những bạn trẻ đã đi làm, càng không nên than vãn chuyện hết tiền. Bạn càng than thở nhiều, càng nhiều người biết đến cái yếu của bạn trong việc lên kế hoạch và tổ chức cuộc sống. Và sẽ chẳng có ai hứng thú với một người không biết sắp xếp cuộc sống ngay cả khi còn độc thân. Theo Hoàng Huy, “than không thay đổi được bản chất của vấn đề, trừ khi bạn thích than để thả thính”. Nếu như bạn đã kiếm được tiền nhưng chưa đủ đáp ứng cho chi tiêu của mình, đó là dấu hiệu bạn phải cân bằng lại chi tiêu và lên kế hoạch để nỗ lực hơn cho cuộc sống của mình.

Vậy khi điều kiện tài chính còn hạn chế, làm thế nào để sống tốt? Hoàng Huy đã đưa ra 5 giải pháp cho người trẻ:

Chia sẻ gây bão mạng xã hội của giám đốc marketing: Người trẻ Việt làm bao nhiêu cũng không thấy đủ, tiêu bao nhiêu cũng không thấy thừa - Ảnh 2.

1. Hãy tính lại

Tổ chức lại cách chi tiêu theo chu kỳ thu nhập, nếu bạn lĩnh lương theo tuần hay theo tháng thì bạn làm theo chu kỳ đó. Hãy liệt kê tất cả các khoản mục bạn cần phải chi một tháng thành hai loại (Compulsory & Optional: Bắt buộc và Không bắt buộc) hoặc Needs & Wants.

Bắt buộc là: Ăn – Ở (Nếu bạn phải thuê nhà) – Đi lại – Bills (các loại hóa đơn)… .Đó là những nhu cầu thiết yếu bạn cần phải chi để tồn tại. Thường đây sẽ là một con số tương đối cố định theo từng năm, chỉ thay đổi theo lạm phát.

Không bắt buộc là: Giải trí – Kết nối – Shopping… Đó là những nhu cầu mà nếu bị gián đoạn, cuộc sống của bạn không bị xáo trộn ngay lập tức.

Phân bổ tối đa 60% thu nhập của bạn cho mục này: Chi phí cuộc sống, theo thứ tự bắt buộc trước, tùy chọn sau. Nếu bạn phân bổ rồi mà vẫn không đủ, đừng lo, thiếu thốn sẽ là động lực để phát triển, nhưng ít nhất bạn đã kiểm soát được việc chi tiêu của mình, 60% thu nhập này dạy bạn bài học cơ bản về những giá trị thiết yếu của cuộc sống.

Chia sẻ gây bão mạng xã hội của giám đốc marketing: Người trẻ Việt làm bao nhiêu cũng không thấy đủ, tiêu bao nhiêu cũng không thấy thừa - Ảnh 3.

Hãy phân chia thu nhập của bản thân hợp lý để không lâm vào cảnh “cứ cuối tháng là hết tiền”.

2. Hãy đầu tư

Đừng cứ nghe đến từ “đầu tư” là nghĩ ngay đến chứng khoán, bất động sản hay bitcoin gì đấy, xa xôi quá. Với người trẻ, đầu tư hàng đầu phải là đầu tư cho chính bản thân mình. Một khóa học kỹ năng hay ngoại ngữ, những cuốn sách hay và bổ ích, một chuyến du lịch… Tất cả những thứ làm bạn “giàu có” hơn về kiến thức, năng lực làm việc và trải nghiệm cuộc sống. Đây là sự đầu tư bền vững và siêu lợi nhuận, hãy dành ít nhất 20% thu nhập của bạn cho điều này. 20% này nhắc bạn không được bằng lòng với ngày hôm nay, hãy vươn lên.

3. Hãy nghĩ đến ngày mai

Cuộc sống là vô thường, không ai biết trước được ngày mai ra sao, có thể là đầy cơ hội nhưng có thể là rủi ro, bất trắc. Bạn chỉ có thể vượt qua những rủi ro nếu như bạn đã luôn có sự chuẩn bị tốt nhất cho tình huống xấu nhất. Ốm đau, thay đổi việc làm, hay những điều còn tệ hơn nữa…..là những trải nghiệm không hề dễ chịu và chẳng ai muốn. 20% thu nhập còn lại của bạn chính là dành cho việc trích lập quỹ dự phòng rủi ro.

Và hãy mua bảo hiểm ngay cả khi đang khỏe mạnh nhất, đừng biến mình thành gánh nặng cho người thân nếu không may gặp vấn đề về sức khoẻ. Quan trọng nhất, đừng động đến khoản tiền này chỉ vì bạn thích một cái váy đẹp hay muốn đổi điện thoại mới; vì bạn cần có một cái phao cứu sinh tương đương chi phí cuộc sống tối thiểu từ 6-12 tháng trong những tình huống khẩn cấp. 20% cuối cùng này cho bạn bản lĩnh đối mặt với những điều không mong muốn.

4. Hãy đừng ngồi im và than vãn

Tuổi trẻ chẳng có gì ngoài thời gian, trí lực và nhiệt huyết. Hãy tìm mọi cách chuyển đổi những thứ đó thành tiền. Ngoài 8 giờ vàng ngọc đã bán cho cơ quan, bạn hoàn toàn có thể tìm một nguồn thu nhập phụ từ những kỹ năng hoặc năng lực của mình, dù ít hay nhiều, bạn cũng đã bớt bị động hơn là chỉ có một nguồn thu nhập duy nhất.

5. Hãy nói không với Nợ

Trừ khi bạn là nhà đầu tư quen sống chung với những khoản nợ, hoặc là nếu không vay thì bạn nguy cấp, thì tốt nhất hãy cố gắng nói không với “Nợ”. Các khoản nợ dù lặt vặt nhưng cũng sẽ làm những bê bối tài chính cá nhân của bạn kéo dài và phức tạp hơn nếu bạn không quản lý tốt. Và dù trong tình huống nào, cũng đừng lạm dụng thứ tài sản quý giá nhất của mình: uy tín và danh dự của bản thân. Không sử dụng thẻ tín dụng cho tới chừng nào bạn tự tin với khả năng kiểm soát chi tiêu của bản thân.

Dù thu nhập bạn tăng hay giảm: Hãy luôn tuân thủ nghiêm ngặt cơ cấu 60-20-20 này cho đến khi bạn đủ tự tin về tài chính và có thể làm chủ chuyện chi tiêu cá nhân một cách khoa học.

Có một nghịch lý mình phát hiện ra là phần đông các ông bố bà mẹ Việt thường dúi tiền vào tay con nhưng rất ít người cùng ngồi xuống và trao đổi với con cách quản lý và sử dụng đồng tiền, để đến khi bước vào đời đa số các bạn trẻ đều lúng túng với đồng tiền, làm bao nhiêu cũng không thấy đủ, tiêu bao nhiêu cũng không thấy thừa. Nhưng cũng chẳng sao, vì những gì chưa được dạy thì ta sẽ học, chẳng bao giờ là muộn.

Nguồn: Cafebiz

Bài khác