Nhà tối giản – Phong cách sống của quý ông độc thân hiện đại
Mục tiêu của phong cách nhà tối giản không chỉ đơn thuần là giảm thiểu vật dụng cá nhân mà còn là xác định ý nghĩa của đồ vật mình sở hữu.
“Less is more” (càng ít càng tốt) là khẩu hiệu chung của cộng đồng có xu hướng đơn giản hóa hết mức có thể cuộc sống của mình. Mục tiêu của phong cách nhà tối giản không chỉ đơn thuần là giảm thiểu vật dụng cá nhân mà còn là xác định ý nghĩa của đồ vật mình sở hữu. Đối với nhiều quý ông độc thân, ít đồ đạc giúp họ tiết kiệm thời gian dọn dẹp, có thời gian chăm sóc bản thân và cải thiện đầu tư vào những trải nghiệm cuộc sống và những mối quan hệ với mọi người.
Càng tối giản, càng thể hiện nhiều
Tối giản tinh tế khác biệt rất lớn với sự đơn điệu, nó là sự giản lược tất cả chi tiết không cần thiết nhằm hướng sự tập trung cho không gian kiến trúc. Chính không gian tạo nên xúc cảm chứ không phải bởi những chi tiết trang trí, đồ đạc hay điều gì khác. Nhưng tôi không phải muốn khuyên bạn phải vứt bớt đồ đạc đi. Nếu bạn độc thân và không muốn tốn quá nhiều thời gian vào dọn dẹp, vậy cần cân nhắc những thành phần nên lược bỏ, tìm ra ứng dụng thực tiễn và chỉ giữ lại yếu tố nào thật sự cần thiết và đáp ứng được yêu cầu về công năng lẫn thẩm mỹ. Tối giản không có nghĩa là lấy đi mọi thứ. Nó có nghĩa là sự tương tác cộng hợp (cộng sinh và hợp lực) tất cả những thiết kế với người sử dụng càng nhiều càng tốt.
Nhằm đem lại tính tập trung vào không gian và đưa không gian thành nội dung chủ đạo của công trình, kiến trúc nhà tối giản sẽ hướng tới giá trị tạo lập không gian chặt chẽ, khúc chiết, cô đọng, thoáng đãng, tràn ngập ánh sáng. Sự tiết chế trong sử dụng vật liệu, màu sắc, sự lược giản của hình thức tổng thể, chi tiết kiến trúc trong không gian của kiến trúc nhà tối giản luôn có tính an tĩnh, thuần khiết, được tạo nên bởi những hình khối đơn giản và những khoảng trống lớn, đồng nhất với những đường thẳng, mảng tường, mảng trần phẳng.
Hạnh phúc hơn khi sống tối giản
Những thứ bạn sở hữu càng nhiều, bạn càng có trách nhiệm giữ gìn chúng. Như vậy chẳng phải bạn đang cảm thấy hóa ra bản thân đã bị “mọi thứ điều khiển mình”. Tâm lí học đã chứng minh rằng con người dễ bị ám ảnh và đau khổ khi đánh mất một thứ gì đó, và sự đau khổ này lớn hơn nhiều so với sự thoả mãn khi sở hữu chính thứ đó. Nỗi sợ mất mát khiến chúng ta dành nhiều thời gian và công sức giữ gìn những gì chúng ta đã sở hữu, thay vì tập trung vào việc chúng ta thoả mãn như thế nào khi được sở hữu chúng. Giả sử nếu việc sở hữu một vật dụng nào đó khiến ta thoả mãn 10, thì việc mất đi nó khiến ta đau 20. Vì vậy chúng ta sẽ cố 20 để không mất đi vật dụng đó – thứ sẽ mang lại thoả mãn chỉ có 10. Và đó là lời nguyền của nỗi sợ mất mát. Và đó cũng là lợi ích của việc sở hữu càng ít đồ dùng càng tốt.
Sự tối giản giúp bạn có thêm thời gian nghĩ sâu sắc hơn và làm giàu thêm các ý tưởng của mình. Nhiều nghiên cứu về hạnh phúc đều cho thấy rằng chúng ta được hạnh phúc hơn nhiều từ những trải nghiệm cuộc sống, so với việc sở hữu vật chất, và chúng ta sẽ được lợi nhiều hơn nếu đầu tư sức lực vào những mối quan hệ thay vì những vật dụng chúng ta sở hữu. Vì vậy, việc vứt bỏ bớt những vật dụng không cần thiết có thể gián tiếp nâng cao chất lượng cuộc sống. Ngoài ra còn một lợi ích vô hình khi sử dụng phong cách thiết kế nhà tối giản đó là giúp chúng ta tránh khỏi những tai nạn không mong muốn khi động đất, hỏa hoạn xảy đến.
Cảm giác “thiếu thốn” đồ đạc đôi khi khiến ta có cảm giác như bước chân vào ngôi nhà vừa mới xây. Nhưng thực tế mọi sắp xếp đều cực kì bài bản với công năng được tính toán không thể tối ưu hơn.
Sự hoành tráng và tinh xảo của chi tiết luôn khiến chúng ta dễ choáng ngợp. Nhưng sự đơn giản có quyền năng của nó – đôi khi lại cụ thể theo kiểu “Simple is the Best”. Có thể nhận thấy kiến trúc tối giản mang lại sự khô cứng, nhàm chán, thậm chí lạnh lùng và thiếu thân thiện. Nhưng bản chất của kiến trúc không nằm ở cái vỏ bề ngoài. Phong cách nhà tối giản tương đối “khắc nghiệt” đối với người sử dụng bởi yêu cầu cao độ về sự trật tự và tiết chế, nhưng bù lại nó đem đến cái phóng khoáng và “chất” rất khó bắt gặp ở những phong cách khác. Để cảm nhận được điều đó, ngoài cái nhìn thị phạm phải cần có một tư duy rộng mở, khám phá. Một kiến trúc sẽ tối giản khi chủ nhân hiểu rõ được bản ngã của mình. Và cũng chỉ khi hiểu rõ chính mình thì chủ nhân mới thực sự làm chủ và gắn bó được với ngôi nhà.
Trường phái thiết kếnhà tối giản tập trung vào thói quen sinh hoạt và nhu cầu sử dụng đồ đạc của gia chủ. Thế nên mọi thứ được chắt lọc đến những yếu tố cơ bản nhất
Nguồn: elleman