5 đức tính của người đàn ông chuẩn men
Phần đông chúng ta nhìn về thành công của người khác bằng ánh mắt ngưỡng mộ. Phần thì cho rằng mấy người giàu từ trong trứng thì thành công là lẽ dĩ nhiên. Còn nếu họ đi lên bằng chính nỗ lực và sự hy sinh thì lại cho rằng “thằng này may mắn thôi”. Cũng có những người ngưỡng mộ thật sự. Nhưng ngưỡng mộ rồi vô hình chung cho rằng “chắc tôi không làm được như họ đâu”. Khoan lo lắng mình không bằng người, hãy lo tu thân dưỡng tính trước đã.
- Luôn bình tĩnh trong mọi tình huống
Nếu không bình tĩnh, anh em có thể làm gì tốt hơn? Hãy trả lời câu hỏi đó trước khi anh em quyết định mình phải thật bình tĩnh và suy nghĩ kỹ hơn. Không cần phải ở một chức vụ rất cao, giải quyết hàng tá công việc, đối đầu với hàng ngàn mối quan hệ mới phải học cách bình tĩnh. Bình tĩnh là tính cách bắt buộc của bất cứ ai để giải quyết các mối mâu thuẫn trong gia đình và trong công việc. Cái này nói thì dễ, thực hành mới là khó. Muốn bình tĩnh giải quyết mọi việc, anh em hãy thực hiện những phương pháp sau:
- Có thói quen tìm hiểu chu đáo và tường tận tất cả mọi việc để có thể nắm vững mọi thứ
- Có thói quen suy nghĩ, phân tích vấn đề từ các góc độ khác nhau để nhìn nhận mọi thứ không chỉ trên quan điểm của mình mà còn phải trên quan điểm của người khác.
- Thấu hiểu và cảm thông nhưng không nhượng bộ nếu vấn đề vượt quá mấu chốt chấp nhận của bản thân
- Bàn bạc, thảo luận mọi chuyện trong một tinh thần vì giải quyết mục đích chung. Nếu ai cũng vì bản thân, chuyện mất bình tĩnh là điều không thể tránh khỏi.
2. Luôn đúng giờ
Có cái chuyện dễ ợt này mà tại sao lúc nào cũng phải bảo ban nhau? Đúng đó nhưng dễ vậy sao đi trễ hoài vậy? Từ công ty họp hành cho đến bạn bè họp mặt, từ nhà ra phố, đâu đâu cũng thấy có người đi trễ. Tóm lại, chuyện trễ giờ không phải là điều gì quý hiếm ở nước ta, trái lại nó còn là thứ phổ biến. Tại vì sao? Tại vì ai cũng coi nó là chuyện nhỏ. Người không có trách nhiệm với những chuyện nhỏ rồi chú tâm vào đấy thì làm sao làm được chuyện lớn. Thành ra, anh em đừng mơ cao thành công, mạnh mẽ làm chi trong khi chuyện nhỏ nhặt như đúng giờ thì mình chưa làm được.
Không chỉ hẹn hò, gặp mặt với người khác phải đúng giờ. Anh em còn phải tự đúng giờ với bản thân. Nghĩa là nếu đã xác định mình cần dành một khoảng thời gian để làm bất cứ việc gì thì đến ngày, đến giờ phải tự động hối thúc bản thân đi làm và phải làm cho xong. Bản thân mình còn chưa ước thúc được, thì làm sao có thể có trách nhiệm đúng giờ với người khác.
3. Nếu đã sai phải biết thừa nhận
Tục ngữ Trung Quốc từ ngàn xưa có câu “Người phạm phải sai lầm mà biết sai rồi tự sửa thì sẽ là kẻ xuất chúng, người phạm phải sai lầm mà biết thừa nhận lỗi sai đó với người khác thì đó là đại trượng phu, kẻ nào kết hợp được cả hai điều ấy thì sẽ sớm là thánh nhân”
Tại sao chúng ta phải thừa nhận sai lầm của mình với người khác, nhất là khi “người khác” đó là hạng không đáng để chúng ta phải làm thế? Nếu như anh em nhìn nhận sự việc theo hướng như vậy thì … không phải là Chuẩn Men đâu. Đối với những lỗi lầm của chính chúng ta thì việc thừa nhận sai lầm của bản thân là chứng tỏ bước trưởng thành về mặt tư tưởng. Đó là lỗi của bản thân, tại sao phải chờ người khác đánh giá. Tự nhận sai cũng là thể hiện mình có trách nhiệm với những người xung quanh. Vì sao vậy? Vì người không biết thừa nhận lỗi sai của chính mình thì làm sao thừa nhận được lỗi sai của người khác?
4. Chấp nhận thử thách. Chấp nhận thất bại. Chấp nhận bắt đầu lại!
Học cách chấp nhận thất bại là dạng phát triển cao của chuyện thừa nhận sai lầm. Cả hai điều này đều thuộc về những mặt chưa tốt trong bản thân mỗi con người chúng ta. Mặc dù tài năng là yếu tố quan trọng để giúp chúng ta tự tin đón nhận những thử thách và tạo sự khác biệt với người khác.
Có ai đó nói rằng: “Chúng ta hoặc là sẽ thắng hoặc chúng ta sẽ học được một bài học” và không có từ thất bại trong từ điển của những người chiến thắng. Tất cả những trở ngại cũng chỉ là bài học. Sự tự tin này không phải dể dàng mà có được, nó phải được nuôi dưỡng hằng ngày. Muốn tự tin, hãy học cách chấp nhận thất bại.
5. Tập thói quen: “Biết 10 nói 1”
Nói thẳng ra, nó là khiêm nhường đấy. Thật ra cái này không cần phải tập, khi học thức và kiến thức của anh em đến một mức độ nào đó, sẽ tự động khiêm nhường đi ngay. Trước một vấn đề đem ra bàn luận, người trẻ với sự tự tôn cao, sự tự tín mãnh liệt vào năng lực của bản thân, sẽ có thói quen áp đặt tư tưởng của mình lên suy nghĩ của người khác. Đây cũng là lý do vì sao mọi cuộc tranh cãi của chúng ta từ nhà lên mạng xã hội, đều đi đến một kết cục không mấy hay ho là … mỗi người nói một kiểu, quan điểm của ai người nấy giữ, đi từ hình thức ngụy biện này đến ngụy biện khác rồi kết cục là đâm ra công kích cá nhân. Các anh hùng bàn phím đầy rẫy trên mạng lý do là ở đâu, đó là vì nhu cầu thích thể hiện bản thân, thích được người khác ngưỡng mộ. Người khiêm nhường không làm thế: họ chỉ thể hiện quan điểm đúng chỗ và đúng lúc.
Kết
Tu tâm dưỡng tính là chuyện khó nhằn nhất trong đời mỗi người đàn ông. Muốn có cơ hội thì phải có sức mạnh nội tại để tận dụng và phát triển cơ hội đó làm ích lợi cho bản thân. Muốn phát triển trong một xã hội cạnh tranh gay gắt xung quanh thì phải giữ vững bản tâm của mình nếu không muốn trở thành một người không có bản sắc.
Tại sao có hàng tỉ người trên thế giới, nhưng số người thực sự thành công chưa đến 1%? Bởi vì không phải ai cũng có thể chiến thắng chính bản tâm của mình. Muốn chiến thắng người khác thì phải chiến thắng bản thân. Muốn thế, không gì khác ngoài chuyện tu thân dưỡng tính.
Mình cho rằng đó mới là ý nghĩa cốt lõi của câu “không thành công cũng thành nhân”.